Ngày 19/01/2022, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tổ chức Sinh hoạt khoa học trực tuyến 2 cơ sở với chuyên đề “Quản lý Hội chứng mạch vành: Từ thực trạng đến giải pháp”. Chương trình được chủ trì bởi TS.BS Phan Hoàng Hiệp – Giám đốc Bệnh viện và có sự tham gia báo cáo của TS.BS. Nguyễn Quốc Thái – Trưởng khoa C4 Viện Tim mạch Quốc gia và TS.BS. Lê Quang Toàn – Trưởng khoa Đái tháo đường Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Buổi Sinh hoạt khoa học đã mang đến 2 nội dung chuyên môn quan trọng về Hội chứng mạch vành hiện nay: “Tần số tim: Mục tiêu còn bỏ ngỏ trong Hội chứng mạch vành mạn” và giải pháp “Nâng cao chất lượng quản lý Hội chứng mạch vành mạn tính Thực tiễn và Giải pháp”.

Tần số tim: Mục tiêu còn bỏ ngỏ trong Hội chứng mạch vành mạn
Bệnh mạch vành là căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong. Việc phát hiện bệnh muộn và không được áp dụng phương pháp điều trị hợp lý có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm cho tim mạch. Mục tiêu chính trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh mạch vành mạn là chẩn đoán chính xác, đánh giá mức độ, điều trị giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến cố tim mạch trong tương lai. Thông qua nội dung “Tần số tim: Mục tiêu còn bỏ ngỏ trong Hội chứng mạch vành mạn” – TS.BS Nguyễn Quốc Thái – Trưởng khoa C4 Viện Tim mạch Quốc gia đã mang đến những thông tin đáng chú ý trong buổi Sinh hoạt khoa học:

TS.BS Nguyễn Quốc Thái – Trưởng khoa C4 Viện Tim mạch Quốc gia
1.Tần số tim nhanh là yếu tố tiên lượng xấu ở bệnh nhân hội chứng mạch vành mạn nhưng thường không được chú ý hoặc không đạt tần số tim mục tiêu.
Thuốc chẹn beta thường được lựa chọn nhưng khó đạt tần số tim đích như khuyến cáo vì các tác dụng phụ không mong muốn cũng như không có lợi về mặt tiên lượng.
Phối hợp sớm chẹn beta với Ivabradine trên bệnh nhân có tần số tim cao là lựa chọn tối ưu để đạt mục tiêu từ 55-60 nhịp/ph giúp kiểm soát hiệu quả triệu chứng đau thắt ngực với khả năng dung nạp tốt hơn.
2. Nâng cao chất lượng quản lý Hội chứng mạch vành mạn tính Thực tiễn và Giải pháp
Ở phần báo cáo “Nâng cao chất lượng quản lý Hội chứng mạch vành mạn tính Thực tiễn và Giải pháp” được TS.BS. Lê Quang Toàn – Trưởng khoa Đái tháo đường Bệnh viện Nội tiết Trung ương trình bày, chúng ta có thể nhận thấy những nội dung quan trọng được TS. Quang Toàn khuyến cáo. Trong đó nhấn mạnh tới chiến lược để mang tới kết quả điều trị tối ưu cho người bệnh thông qua việc sử dụng thuốc và kết hợp phương pháp không sử dụng thuốc.
TS.BS. Lê Quang Toàn – Trưởng khoa Đái tháo đường Bệnh viện Nội tiết Trung ương
Với việc điều trị dùng thuốc sẽ giúp người bệnh phòng ngừa biến cố, giảm đau thắt ngực và thiếu máu cục bộ. Ngoài ra trong lưu ý điều trị vẫn rất cần tài liệu tham khảo, tài liệu giáo dục bệnh nhân. Đây được xem là biện pháp không dùng thuốc nhưng vẫn đạt mục tiêu giúp người bệnh nhận biết các triệu chứng và hướng dẫn tự quản lý bệnh tốt hơn.
Buổi Sinh hoạt khoa học góp phần cập nhật các kiến thức mới nhất cho các y, bác sỹ, giúp cho các thầy thuốc có phác đồ điều trị tối ưu nhất. Qua đó giúp giảm chi phí điều trị cho người bệnh và đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh mạch vành.