Bàn chân đái tháo đường (ĐTĐ) theo định nghĩa của WHO và sự thống nhất của nhóm chuyên gia quốc tế về bàn chân đái tháo đường là nhiễm trùng, loét, phá hủy các mô sâu có kết hợp với những bất thường về thần kinh và các mức độ khác nhau về bệnh mạch máu ngoại biên ở chi dưới. Tuy nhiên, theo nghĩa rộng bàn chân ĐTĐ bao gồm tất cả các tình trạng bệnh lý khác nhau tác động đến bàn chân ở người bệnh ĐTĐ (Boulton, 2010).
Tỷ lệ bị bệnh lý bàn chân của người bị đái tháo đường thay đổi rất khác nhau tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội của từng quốc gia, từng khu vực.
- Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Các nguyên nhân của tổn thương bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường bao gồm:
+ Bệnh đa dây thần kinh ngoại vi và bệnh thần kinh tự động
+ Bệnh mạch máu ngoại biên
+ Nhiễm trùng
+ Chấn thương
Bệnh đa dây thần kinh ngoại vi cảm giác gây giảm hoặc mất cảm giác bảo vệ ở bàn chân, dẫn đến các chấn thương không nhận biết và sau đó là loét bàn chân. Một khâu quan trọng trong sự hình thành loét bàn chân là do tăng áp lực lên các điểm tì đè bất thường do các biến dạng ở bàn chân, sự hạn chế linh động của các khớp và tổn thương thần kinh cảm giác bản thể dẫn đến dáng đi bất thường. Các nguyên nhân dẫn đến các biến dạng ở bàn chân teo các cơ nhỏ ở bàn chân như hậu quả bệnh thần kinh ngoại vi vận động và tổn thương các khớp. Sự hạn chế linh động của các khớp là do các tổn thương bao khớp và mô dưới da, và dày da.
Ngoài ra, khô da do biến chứng thần kinh tự động gây ra các chai chân cũng là nguyên nhân gây ra các vị trí có tăng áp lực bất thường ở bàn chân. Một dạng biến dạng đặc biệt của bàn chân do ĐTĐ là bàn chân Charcot foot do phá hủy các khớp, tiêu xương, gẫy xương, bán sai khớp. Tăng áp lực lên các điểm tì đè do biến dạng hoặc chai là nguyên nhân dẫn đến các vết loét, thường là loét dưới chai. Các biến dạng bàn chân như ngón chân hình búa, ngón chân móng vuốt có thể gây phỏng rộp do cọ xát với giầy dép.
Các nguyên nhân khác gây ra các vết thương ở bàn chân là biến chứng thần kinh tự động dẫn đến giảm tiết mồ hôi, khô da và nứt da bàn chân. Biến chứng thần kinh tự động còn gây giãn các tĩnh mạch (bàn chân ấm), tăng dòng máu qua các shunt động tĩnh mạch, giảm tưới máu mao mạch, như vậy làm giám đáp ứng viêm và sức đề kháng với vi khuẩn.
Các vết loét, đặc biệt khi không được phát hiện do mất cảm giác và điều trị thường bị nhiễm trùng. Trong tình trạng bất thường vi tuần hoàn và giảm đáp ứng miễn dịch trong bệnh đái tháo đường, vết loét nhiễm trùng có thể tiến triển đến hoại tử.
Xơ vữa tắc nghẽn động mạch chi dưới trong bệnh đái tháo đường thường tổn thương lan tỏa ở các động mạch nhỏ, do đó hay gặp thiếu máu và hoại tử các ngón chân.
Theo nguyên nhân, loét bàn chân ĐTĐ được phân loại thành:
+ Loét do thần kinh
+ Loét do thiếu smaus
+ Loét do thần kinh và thiếu máu
+ Loét do tĩnh mạch
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đoạn chi thay đổi tùy theo nghiên cứu, thường là:
+ Tình trạng kiểm soát glucose máu kém
+ Bệnh thần kinh ngoại vi với mất cảm giác bảo vệ
+ Hút thuốc lá
+ Biến dạng bàn chân
+ Chai chân tiền loét
+ Bệnh động mạch ngoại vi
+ Tiền sử loét bàn chân
+ Tiền sử cắt cụt chi
+ Giảm thị lực
+ Bệnh thận do ĐTĐ
Nguồn: Tài liệu đào tạo điều dưỡng “Chăm sóc, theo dõi bệnh nhân đái tháo đường” – Bệnh viện Nội tiết Trung ương