Dịch tễ và mức độ nghiêm trọng của bệnh thận ĐTĐ
Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2015 toàn thế giới có 415 triệu người bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Một nửa số người mắc ĐTĐ chưa được chẩn đoán, rất nhiều bệnh nhân ĐTĐ type 2 mới mắc đã có những biến chứng nghiêm trọng, trong đó biến chứng thận được coi là nguy hiểm và tốn kém nhất. Đây là nguyên nhân phổ biến gây suy thận giai đoạn cuối cần phải lọc máu chu kỳ [1],[2].
Tiên lượng biến chứng thận phụ thuộc vào thời gian mắc bệnh và mức độ kiểm soát đường huyết và mức protein niệu. Theo các thống kê, có khoảng 20 – 40% các bệnh nhân ĐTĐ sẽ bị biến chứng thận, trong đó nhiều bệnh nhân ĐTĐ týp 2 đã có protein niệu ngay khi được phát hiện ĐTĐ, còn với bệnh nhân ĐTĐ týp 1 thì sau 10 năm bị bệnh có khoảng 50% số bệnh nhân đã có suy thận giai đoạn cuối và sau 20 năm thì con số này đã lên tới 75%. Tại các khoa thận, khoảng 40% số bệnh nhân đang phải lọc máu chu kỳ là do biến chứng thận của ĐTĐ- gánh nặng đối với y tế và xã hội.
Biều hiện của bệnh thận đái tháo đường
Bệnh thận đái tháo đường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Microalbumin niệu dai dẳng là dấu hiệu cảnh báo sớm nhất. Sau đó là tăng huyết áp và phù tư thế xuất hiện ở hầu hết các bệnh nhân không được điều trị.
Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có thể có các triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng ure máu cao (buồn nôn, nôn mửa, chán ăn), triệu chứng này xảy ra sớm hơn so với bệnh nhân không có bệnh thận ĐTĐ, có thể là do sự kết hợp giữa tổn thương cơ quan đích do bệnh đái tháo đường (ví dụ bệnh thần kinh đái tháo đường) và suy thận làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Chẩn đoán
Kiểm tra định kỳ hàng năm tỉ lệ albumin/creatinin niệu nước tiểu ngẫu nhiên ở tất cả các bệnh nhân đái tháo đường.
Xét nghiệm nước tiểu tìm các dấu hiệu tổn thương thận khác (ví dụ đái máu, trụ hồng cầu)
Chẩn đoán được nghĩ đến ở các bệnh nhân đái tháo đường có protein niệu, đặc biệt nếu họ có bệnh võng mạc đái tháo đường (gợi ý bệnh mạch máu nhỏ) hoặc các yếu tố nguy cơ đối với bệnh đái tháo đường. Các tổn thương thận khác nên được nghĩ đến nếu có bất cứ dấu hiệu nào sau đây:
Protein niệu nhiều trên 3g/L
Không có bệnh võng mạc đái tháo đường
Khởi phát nhanh chóng protein niệu nặng
Đái máu đại thể
Trụ hồng cầu
Giảm mức lọc cầu thận.
Thận kích thước nhỏ
Làm thế nào để biết bị bệnh thận đái tháo đường?
Để tầm soát bệnh thận ĐTĐ, các bác sĩ sẽ cho tìm albumin trong nước tiểu. Tìm albumin trong nước tiểu sẽ giúp can thiệp sớm để phòng ngừa bệnh thận nặng thêm. Ở bệnh nhân ĐTĐ typ 1 cần thử albumin nước tiểu khoảng 3-5 năm sau khi chẩn đoán bệnh. Ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2, cần tìm albumin ngay lúc mới chẩn đoán và theo dõi hang tháng.
Các triệu chứng lâm sàng như phù, thiếu máu, chán ăn, mệt mỏi, thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn trễ.
Lấy nước tiểu như thế nào để tìm albumin, kết quả như thế nào là có bệnh?
Có 3 cách lấy nước tiểu (NT) để tìm albumin vi lượng:
· Lấy một mẫu nước tiểu bất kỳ và đo tỉ số albumin/creatinin trong nước tiểu, cách này
thường được các bác sĩ chỉ định
· Lấy nước tiểu 24 giờ để đo tất cả lượng đạm trong đó. Đồng thời tính toàn bộ thể tích
nước tiểu. Cách này ít được thực hiện vì khó lấy đầy đủ nước tiểu trong 24 giờ.
Khi bị bệnh thận đái tháo đường, cần phải làm gì?
Ăn khẩu phần giảm đạm (0,8 gam đạm/kg cân nặng lý tưởng/ngày) và chế độ dinh dưỡng tập luyện hợp lý.
Kiểm soát đường huyết thật tốt, HbA1c <7%.
Kiểm soát huyết áp thật tốt. HA < 130/80 mmHg. Thuốc được lựa chọn hàng đầu là thuốc ức chế enzym chuyển hoặc thuốc chẹn kênh calci.
Nếu dùng thuốc điều trị các bệnh đi kèm, cần hỏi ý kiến của bác sĩ vì một số thuốc có thể làm bệnh thận nặng thêm (thí dụ kháng sinh, thuốc điều trị đau khớp..)
Bệnh thận ĐTĐ phải được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa để cá nhân hóa điều trị
Nguồn: ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hương - Phó khoa Thận - Tiết Niệu