- Theo YHHĐ:
Tiền mãn kinh (TMK) là giai đoạn trước mãn kinh ở phụ nữ, là lúc mà nội tiết tố nữ Estrogen bị suy giảm nhiều gây ra những triệu chứng đầu tiên của rối loạn mãn kinh.
Các dấu hiệu sớm của tiền mãn kinh
Nếu trong hơn 12 tháng bạn không có kinh nguyệt (trừ những trường hợp sau sinh con). Đa số phụ nữ đều phải trải qua khoảng thời gian trước khi mãn kinh được gọi giai đoạn tiền mãn kinh, có nhiều thay đổi cả về chức năng sinh sản và tâm lý, gây nhiều phiền toái cho bản thân người phụ nữ cũng như gia đình.
Các triệu chứng thường bắt đầu một vài tháng hoặc vài năm trước khi chu kỳ của bạn dừng lại. Trung bình, hầu hết các triệu chứng kéo dài khoảng 4 năm kể từ chu kỳ cuối cùng. Nếu trải qua thời kỳ mãn kinh đột ngột thay vì dần dần thì các triệu chứng của bạn có thể nặng nề hơn.
Các dấu hiệu của một giai đoạn tiền mãn kinh:
- Thay đổi thời gian chu kỳ kinh nguyệt
Chu kỳ kinh nguyệt không đều, quá dài hoặc quá ngắn, lượng máu kinh nguyệt ra ít hoặc nhiều hơn. Cuối cùng, chu kỳ kinh nguyệt sẽ ngừng hoàn toàn và không xuất hiện nữa.
- Nóng bừng hay bốc hỏa
có cảm giác nóng xuất hiện đột ngột, trong thời gian ngắn, thường xảy ra ở mặt, cổ và ngực và có thể làm cho da bạn đỏ bừng và đổ mồ hôi.
- Đổ mồ hôi đêm
Bốc hỏa thường xuyên xảy ra vào ban đêm khiến đổ mồ hôi khi ngủ.
- Khó ngủ
Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh thường khó ngủ. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và cáu kỉnh hơn so với bình thường.
- Giảm ham muốn tình dục
Khi lượng hormone estrogen suy giảm, phụ nữ trong giai đoạn này thường giảm ham muốn tình dục. Thêm vào đó, hormon này suy giảm gây tình trạng khô âm đạo, đau, ngứa...
- Thay đổi cảm xúc
Phụ nữ tiền mãn kinh thường thay đổi cảm xúc rất thất thường, khó kiềm chế cảm xúc. Đôi khi hay lo lắng, trầm buồn, cáu kỉnh hay nóng tính.
- Đánh trống ngực
Nhịp tim có thể tăng lên gây ra cảm giác đánh trống ngực ở những phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh.
- Loãng xương
Đây cũng là dấu hiệu của tiền mãn kinh. Hormon estrogen suy giảm gây mất lượng lớn canxi ra khỏi xương, gây loãng xương.
Theo YHCT:
Dựa theo thiên “Thượng Cổ Thiên Chân Luận” (Tố Vấn), YHCT cho rằng hoạt động sinh lý của phụ nữ bắt đầu suy giảm từ tuổi 42 (tuổi lục thất, tam dương suy, da mặt khô, tóc bạc…) đến tuổi 49 (tuổi thất thất, mạch Xung Nhâm suy, thiên quý kiệt…) và như vậy ở khoảng tuổi này là phụ nữ hết sinh đẻ, chức năng tạng phủ suy dần mà chủ yếu là thận khí suy, người phụ nữ bắt đầu thời kỳ TMK, thận suy chủ yếu là tinh huyết suy gây nên âm dương mất cân bằng, ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của các tạng phủ khác và là nguyên nhân chính của hội chứng TMK.
Theo YHCT quá trình sinh trưởng, phát dục, trưởng thành và giảm chức năng sinh sản ở nữ giới đều có liên quan mật thiết giữa tạng thận và 2 mạch Xung, Nhâm. Khi chức năng các cơ quan tạng phủ này suy giảm khiến âm dương mất cân bằng, khí huyết không điều hòa, gây nên các chứng của TMK. Thận âm hư, nội nhiệt phát sinh ra bên trong cơ thể dẫn đến chứng âm hư nội nhiệt, nhiệt sinh ra bốc lên thành hỏa, mạch Nhâm trống rỗng, mạch Xung suy yếu ảnh hưởng đến Huyết hải, bể huyết bị tổn thương dẫn tới kinh nguyệt bị rối loạn và hết kinh. Thận thủy hư không giữ được Tâm hỏa dẫn tới chứng Tâm thận bất giao gây chứng mất ngủ, hồi hộp, hay quên. Hai tạng Can thận là tạng đồng nguyên, nếu thận âm hư lâu ngày sẽ dẫn tới Can âm hư gây chứng Can thận âm hư: người nóng, tay chân nóng, người háo khát, đau mỏi lưng gối,… Can âm hư không nuôi dưỡng được Can dương gây chứng Can dương vượng: dễ tức giận, chóng mặt, đau đầu, bốc hỏa.
Như vậy, từ góc độ bệnh nguyên, bệnh sinh theo YHCT cho thấy các rối loạn TMK và MK đều bắt đầu từ thận và sự mất cân bằng âm dương của thận sẽ làm ảnh hưởng tới chức năng của các tạng phủ khác, mà cụ thể là Tâm và Can.
Ngoài ra còn một số các yếu tố thuận lợi khác có thể làm cho các triệu chứng rối loạn TMK tăng lên bao gồm:
- Ngoại nhân: Thường do cảm nhiễm phải các tà khí vì thời kỳ TMK chính khí hư suy nên dễ cảm nhiễm phải tà khí nếu người phụ nữ không chú ý quan tâm tới sức khỏe.
- Nội nhân: Do sự biến đổi bảy thứ tình chí (Vui, lo lắng, buồn, ưu, kinh, khủng… quá mức) làm ảnh hưởng tới chức năng các tạng phủ, hoạt động của tạng phủ không điều hoà, từ đó mà dễ phát sinh bệnh tật.
- Bất nội ngoại nhân: Do ăn uống, sinh hoạt không điều độ hoặc làm việc quá sức kèm theo chức năng của các tạng phủ suy giảm, làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý trong cơ thể, từ đó dễ phát sinh bệnh tật.
Trên lâm sàng chia thành hai thể bệnh chính cuả phụ nữ thời kỳ TMK, đó là:
Thể thận âm hư và Thể thận dương hư
- Thể thận âm hư: chia ra 3 thể
- Âm hư nội nhiệt
Triệu chứng: lưng đau, gối mỏi, chóng mặt, ù tai, hay ra mồ hôi trộm, bốc hỏa, chất lưỡi đỏ, rêu mỏng, mạch tế sác. Kết hợp với kinh nguyệt bị rối loạn, kinh đến trước kỳ, lượng ít, có khi rong kinh.
Pháp điều trị: Tư âm, giáng hỏa.
Bài thuốc: Tri bá địa hoàng thang
- Âm hư can vượng
Triệu chứng: kinh nguyệt rối loạn, cạnh sườn đau tức, hay đau đầu, chóng mặt, phiền táo dễ cáu giận, chân tay run, chất lưỡi đỏ, rêu ít, mạch huyền sác.
Pháp điều trị: Tư bổ can thận, tiềm dương
Bài thuốc: Kỷ cúc địa hoàng thang gia giảm
- Tâm thận bất giao
Triệu chứng: kinh nguyệt rối loạn, lưng gối đau mỏi, váng đầu chóng mặt, ù tai, hồi hộp trống ngực, ra mồ hôi trộm, người cảm giác bứt rứt khó chịu, bất an, hay quên, giấc ngủ không sâu, đầu lưỡi đỏ, rêu mỏng, mạch tế sác.
Pháp điều trị: Tả tâm hỏa, bổ thận thủy, giao thông tâm thận
Bài thuốc: Hoàng liên a giao thang
- Thể thận dương hư: chia ra 2 thể
- Thận dương bất túc
Triệu chứng: tay chân lạnh, tinh thần ủ rũ, nước tiểu trong, tiểu đêm nhiều, đại tiện lỏng nát, kinh nhiều, sau kỳ, sắc nhạt, loãng. Chất lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch hư vô lực.
Pháp điều trị: Bổ thận, ích tinh huyết
Bài thuốc: Hữu quy thang
- Tỳ thận dương hư
Triệu chứng: như thể Thận dương bất túc, thêm chứng ngũ canh tả, kinh nguyệt lúc nhiều lúc ít, đôi khi xuất hiện băng lậu. mạch trầm trì.
Nguồn:
ThS.BS. Lê Thị Phương
Trưởng khoa Y học cổ truyền – BV Nội tiết TW