TS.BS. Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ về chế độ dinh dưỡng trong điều trị bệnh Đái tháo đường
Trong buổi Giáo dục sức khỏe, hơn 250 người bệnh và người nhà người bệnh được lắng nghe TS.BS. Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ về chế độ dinh dưỡng trong điều trị bệnh Đái tháo đường. Tại đây, TS.BS. Phan Hướng Dương đã cập nhật đầy đủ thông tin và giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc thay đổi lối sống, hành vi ăn uống cùng khuyến nghị vận động thể lực. Cụ thể:
Thay đổi hành vi ăn uống:
- Người bệnh cần biết đọc các nhãn mác các sản phẩm dinh dưỡng, lựa chọn thực phẩm, tự theo dõi và ngừng ăn vặt, bỏ bữa;
- Chỉ ăn khi cảm thấy đói và dừng lại khi cảm thấy no;
- Ngồi xuống bàn khi ăn (không đứng hoặc đang đi) và không làm việc gì khác: xem tivi, xem điện thoại, nghe đài, đọc sách…
- Hãy ăn chậm và thưởng thức bữa ăn, chú ý mùi vị, hương vị, thành phần và nhiệt độ món ăn
Vận động thể lực:
- Tăng cường vận động hàng ngày, tránh lối sống tĩnh tại, ít vận động: hạn chế xem tivi, chơi điện tử, đi cầu thang bộ thay vì cầu thang máy, làm việc gia đình, làm vườn…
- Vận động thể lực thường xuyên có thể cải thiện nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch chuyển hóa ở người trưởng thành thừa cân, béo phì, các rối loạn tâm sinh lý (trầm cảm, lo âu…).
- Người bệnh được khuyến khích tập thường xuyên, ít nhất là 30 phút/ngày với cường độ vận động trung bình như: đi bộ nhanh, chạy, bơi, đạp xe đạp tốc độ trung bình.
Tại buổi Giám dục sức khỏe, TS. Phan Hướng Dương cũng đưa ra khuyến cáo: Đái tháo đường là một bệnh mạn tính mà dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị. Để kiểm soát tốt đường huyết, người bệnh không nhất thiết phải “kiêng khem” quá mức như mọi người từng nghĩ. Hiểu rõ được tầm quan trọng của dinh dưỡng điều trị, biết cách phân bố bữa ăn hợp lý và lựa chọn thực phẩm phù hợp trong khẩu phần ăn hằng ngày, người bệnh ĐTĐ vẫn có thể xây dựng được các thực đơn đa dạng, phong phú với đầy đủ các nhóm thực phẩm mà vẫn duy trì được mức đường huyết ổn định lâu dài.
Ngoài ra, điều trị ĐTĐ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa dinh dưỡng với việc tuân thủ dùng thuốc và chế độ luyện tập thể dục phù hợp. Như vậy, bệnh nhân sẽ kiểm soát tốt căn bệnh và phòng ngừa được những biến chứng nguy hiểm về sau.
Bệnh viện Nội tiết Trung ương được biết đến là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước về phát hiện và điều trị các bệnh lý Nội tiết – Đái tháo đường. Với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, hằng năm bệnh viện nội tiết Trung Ương đã chữa trị cho hàng ngàn bệnh nhân đái tháo đườngtrên khắp cả nước.
Hầu hết các ca bệnh phức tạp về đái tháo đường đều được chuyển về Bệnh viện để điều trị. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam có riêng 1 khoa chăm sóc bàn chân cho những người bệnh bị biến chứng bàn chân (loét bàn chân). Người bệnh có thể tới 1 trong 2 cơ của Bệnh viện để được thăm khám.