Tóm tắt nghiên cứu khoa học: So sánh hiệu quả của điện châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt với xoa bóp bấm huyệt đơn thuần trong điều trị liệt dây thanh sau phẫu thuật tuyến giáp

805 02/07/2024, 14:24 (GMT+7)

Chủ nhiệm đề tài:  TS. Phan Hoàng Hiệp

                               ThS.BS Nguyễn Văn Toàn

  1. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

– Đánh giá tác dụng của điện châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt trong điều trị liệt dây thanh sau phẫu thuật tuyến giáp.

– Mô tả một số yếu tố liên quan đến kết quả điều trị.

  1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

          Người bệnh từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính được chẩn đoán xác định liệt dây thanh một bên không hoàn toàn qua nội soi dây thanh sau phẫu thuật tuyến giáp từ 5 tới 7 ngày. Các người bệnh chẩn đoán: Thất âm thể khí trệ huyết ứ (sau phẫu thuật tuyến giáp).

2.2. Phương pháp nghiên cứu

          Thiết kế nghiên cứu can thiệp lâm sàng có đối chứng, so sánh kết quả trước sau điều trị. Người bệnh tham gia nghiên cứu được theo dõi lâm sàng và cận lâm sàng trước, trong và sau điều trị

  1. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

          Qua nghiên cứu 60 bệnh nhân liệt dây thanh một bên không hoàn toàn sau phẫu thuật tuyến giáp được điều trị bằng điện châm hoặc xoa bóp bấm huyệt tại Khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện Nội tiết Trung ương, thời gian từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 8 năm 2022, chúng tôi rút ra một số kết luận như sau:

3.1. Hiệu quả điều trị của phương pháp

          Tuổi trung bình trong nghiên cứu lần lượt là 46,5±12,5 và 48,7±10,1; tỉ lệ nữ giới lần lượt là 90% ở nhóm nghiên cứu và 86,7% ở nhóm đối chứng. Tỉ lệ phẫu thuật tuyến giáp trên bệnh lý ác tính lần lượt là 83,3% và 80% ở nhóm nghiên cứu và nhóm đối chứng. Đa số bệnh nhân được tiến hành nạo vét hạch cổ, với tỉ lệ lần lượt là 63,3% ở nhóm nghiên cứu và 60% ở nhóm đối chứng.

          Ở nhóm nghiên cứu, tỉ lệ của tất các triệu chứng cơ năng đều có sự cải thiện có ý nghĩa thống kê (khàn tiếng, hụt hơi, ho khạc đờm, sặc nghẹn) trong khi ở nhóm đối chứng, chỉ có các triệu chứng khàn tiếng, hụt hơi, ho khạc đờm có sự cải thiện có ý nghĩa thống kê. Mức cải thiện triệu chứng khàn tiếng cao hơn ở nhóm nghiên cứu (giảm từ 100% xuống 46,7% so với giảm từ 100% xuống 80%), mức cải thiện triệu chứng ho khạc đờm cao cũng cao hơn ở nhóm nghiên cứu so với nhóm đối chứng (giảm từ 90% xuống 13,3% so với giảm từ 63.3% xuống 13,3%).

          Tỉ lệ di động dây thanh tốt sau điều trị lần lượt là 93,3% ở nhóm nghiên cứu và 90% ở nhóm đối chứng. Sự khác biệt giữa hai nhóm là không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05

          Mức cải thiện chỉ số khuyết tật giọng nói VHI ở nhóm nghiên cứu cao hơn so với nhóm đối chứng (30,1±10,9 điểm so với 23,7±14,6 điểm), sự khác biệt là có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

          Các chứng trạng về mạch và lưỡi không có sự thay đổi có ý nghĩa thống kê ở cả nhóm nghiên cứu và nhóm đối chứng.

          Hiệu quả điều trị tốt chiếm tỉ lệ cao hơn ở nhóm nghiên cứu so với nhóm đối chứng (40% so với 16,7%). Sự khác biệt là có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

          Không có BN nào gặp phải tác dụng không mong muốn như vựng châm, chảy máu, nhiễm trùng, dị ứng, mẩn ngứa.

3.2. Các yếu tố liên quan đến hiệu quả điều trị

          Không có nạo vét hạch cổ và  có liên quan đến tiên lượng điều trị tốt với OR = 24. Sự liên quan là có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

          Các yếu tố tuổi, giới tính không có liên quan đến tiên lượng điều trị tốt, với OR là 0,38 và p > 0,05, tiền sử GERD, vị trí tổn thương dây thanh trước điều trị không phải là yếu tố có liên quan đến tiên lượng điều trị với p > 0,05.

🏥 Cơ sở: Nguyễn Bồ (ngõ 215 Ngọc Hồi) – Tứ Hiệp – Thanh Trì – Hà Nội

🏥 Cơ sở: Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội

📞 Số máy tổng đài bệnh viện: 19008219

📞 Số máy công tác: (0246) 2885158

Website: https://benhviennoitiet.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *