Nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức về tăng huyết áp và các bệnh lý đi kèm ở người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), ngày 12/10/2021, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tổ chức buổi Sinh hoạt khoa học (SHKH) chuyên đề “cập nhật khuyến cáo mới trong điều trị tăng huyết áp vai trò của phối hợp thuốc”. Tham dự và chủ trì buổi SHKH có TS.BS Phan Hướng Dương – Bí thư Đảng ủy – Phó Giám đốc Bệnh viện.
Buổi SHKH là cơ hội để các bác sỹ, dược sỹ và nhân viên y tế trong Bệnh viện trao đổi thông tin, nâng cao chất lượng chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Trong bài báo cáo khoa học của mình, TS.BS Lê Quang Toàn – Trưởng khoa Đái tháo đường đã trình bày nội dung “Cập nhật điều trị tăng huyết áp theo các khuyến cáo đương đại của: Hiệp hội Tim Mạch Châu âu (ESC) 2018 – Tổ chức Tăng huyết áp thế giới (ISH) 2020 – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) 2021”.
Thông qua các khuyến cáo của Hiệp hội Tim Mạch Châu âu (ESC) 2018 – Tổ chức Tăng huyết áp thế giới (ISH) 2020 và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) 2021 cho thấy việc sử dụng thuốc ức chế hệ RAS là nền tảng của phối hợp thuốc. Với việc có thể sử dụng ở bất cứ giai đoạn nào của tăng huyết áp hoặc bất kỳ mức độ nguy cơ nào (thấp, trung bình, cao…). Đồng thời, thuốc ức chế RAS được chỉ định bắt buộc để quản lý bệnh nhân tăng huyết áp có hoặc không có bệnh lý đi kèm.
Trong nội dung kết luận, TS Toàn có nêu nên những thông điệp cần ghi nhớ, đó là quản lý chuẩn tăng huyết áp không thể tách rời việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch nhất là ở bệnh nhân có kèm nguy cơ tim mạch cao. Cùng với đó là việc chọn lựa thuốc hạ huyết áp có chứng cứ bảo vệ quan đích, mang lại lợi ích vượt xa tác dụng hạ huyết áp đơn thuần. Điều trị bằng thuốc và phối hợp bằng thuốc sớm, ưu tiên một viên thuốc phối hợp giúp bệnh nhân tuân thủ và gắn kết điều trị lâu dài. Bên cạnh đó cần phải đánh giá nguy cơ cùng lợi ích để quyết định chế độ điều trị phù hợp cho từng cá thể.
Để nối tiếp với những cập nhật điều trị tăng huyết áp theo các khuyến cáo của các tổ chức, hiệp hội trên thế giới do TS Toàn trình bày, ThS.BS Trần Văn Đồng – Trưởng khoa Cấp cứu đã mở đầu bài báo cáo “Chọn lựa thuốc huyết áp và bảo vệ tim mạch” của mình bằng ca bệnh đái tháo đường có kèm cao huyết áp cùng bệnh lý tim mạch cụ thể đã được điều trị.
Không chỉ nêu nên thực trạng kiểm soát huyết áp tại Mỹ, BS Đồng còn nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa tăng huyết áp – đái tháo đường cùng biến cố tim mạch. Trong đó, tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng, đồng thời nhấn mạnh việc số lượng lớn bệnh nhân không đáp ứng trong điều trị tăng huyết áp và không kiểm soát được huyết áp.
Các khuyến cáo cũng đều đưa ra đồng thuận với khởi trị viêm phối hợp đôi RAAS+CCB. ARB kết hợp với CCB được ưu tiên cho bệnh nhân tăng huyết áp có nguy cơ nhờ vào hạ áp hiệu quả, an toàn và dung nạp tốt. Ngoài ra, Telmisartan và Amlodipine cung cấp bằng chứng hạ huyết áp mạnh mẽ và nhất quán, cũng như bảo bệ tim mạch ở bệnh nhân tăng huyết áp có nguy cơ cao, đặc biệt trên bệnh nhân đái tháo đường.
Phát biểu tổng kết sau 2 nội dung báo cáo, chủ trì buổi SHKH TS. Phan Hướng Dương đã cám ơn các báo cáo viên đồng thời cũng đưa ra những kết luận quan trọng. Không chỉ nhấn mạnh thêm bệnh tăng huyết áp là “Kẻ giết người thầm lặng của thế kỷ 20” mà căn bệnh này để lại hậu quả tổn thương cơ quan đích như suy tim, suy mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột tử, tai biến mạch não, suy thận… để lại di chứng nặng nề cho bản thân, gia đình và xã hội; đặc biệt với những người không điều trị thì nguy cơ tàn phế, tử vong. Mặc dù đã có nhiều chiến lược điều trị thuốc và thay đổi lối sống tỏ ra hiệu quả, tuy nhiên tỉ lệ kiểm soát huyết áp trên thế giới vẫn chưa cao. Tăng huyết áp là yếu tố góp phần hàng đầu của tử vong sớm do vậy việc cập nhật điều trị rất cần thiết. TS Dương cho biết.
Tại chương trình, TS Dương và đại diện khoa Dược đã đưa ra một số câu hỏi tới 2 báo cáo viên. Thông qua các giải đáp, nhiều nội dung chuyên môn đã được chia sẻ, đóng góp kịp thời tạo thuận lợi hơn cho việc chỉ định và phối hợp thuốc tăng huyết áp trong quá trình kê đơn và điều trị cho người bệnh.