Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) gây nhiều biến chứng nguy hiểm, rối loạn chức năng và suy nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. Một trong những biến chứng ảnh hưởng lớn đến vận động, sinh hoạt và khả năng lao động của người bệnh đó là biến chứng bàn chân do ĐTĐ.

Khi có vết thương bàn chân, do không đau đớn nhiều nên người bệnh chủ quan thường tự chữa trị, chỉ nhập viện khi vết thương ở giai đoạn muộn, hoại tử nhiễm khuẩn nặng, chỉ chờ đợi để can thiệp ngoại khoa.
Vết thương bàn chân ở người bệnh ĐTĐ có nguy cơ cắt cụt chi dưới cao từ 10-15 lần so với người không bị ĐTĐ. Vết thương bàn chân đôi khi chỉ khu trú ngoài da có vẻ đơn giản như một vết xước, loét nông, tiến triển đến nhiễm trùng. Nếu đề kháng kém, vết thương loét sâu hơn, hoại tử phần mềm lan đến dây chằng, khớp, xương, có thể phối hợp bệnh lý động mạch nói trên làm vết thương ngày càng trầm trọng gây hoại tử, thiếu máu không thể bảo tồn được, hậu quả là phải cắt cụt chi dưới.
Ngay từ khi phát hiện bệnh ĐTĐ, hàng ngày người bệnh cần chú ý:
- Vệ sinh bàn chân mỗi ngày: Người bệnh ĐTĐ cần rửa sạch chân mỗi ngày, dùng nước ấm khoảng 37 độ C, không nên ngâm chân.
- Nếu da bàn chân bị khô, nứt nẻ nên thoa kem dưỡng ẩm để làm mềm da.
- Kiểm tra chân hàng ngày: Thường xuyên kiểm tra bàn chân để phát hiện sớm những bất thường
- Cắt và mài nhẵn móng chân nhẹ nhàng: Người bệnh ĐTĐ không để móng chân dài, có góc cạnh sắc nhọn dễ gây chảy máu bàn chân hoặc các tai nạn do móng chân dài gây ra như lật móng bàn chân,… Cần cắt móng chân ngang và sử dụng dũa móng mài nhẵn.
- Không được đi chân đất: Người bệnh ĐTĐ nên mang giày dép khi đi lại trong nhà, điều này không chỉ tránh bụi bẩn mà giảm nguy cơ va chạm với vật cứng gây tổn thương, nhiễm khuẩn. Và tuyệt đối không đi chân đất khi ra ngoài.
- Chọn tất mềm, thoải mái: Nên chọn tất chân làm bằng các loại vải mềm, đường may không cộm và không quá chật, không bót sát cổ chân.
- Chọn giày vừa vặn với chân: Nên đi mua giày vào buổi chiều tối vì đó là thời gian mà kích thước bàn chân lớn nhất. Giày mới mua nên đi từ 2 đến 3 tiếng trong ngày sau đó mới có thể mang nhiều hơn.
- Giữ cho mạch máu lưu thông: Hãy giữ cho mạch máu chân được lưu thông tốt bằng cách nâng cao chân khi ngồi bằng ghế. Cử động xoay bàn chân, mắt cá chân và lắc lư các ngón chân 2 đến 3 lần/1 ngày, mỗi lần ít nhất 5 phút.
- Tập thể dục thường xuyên: Hãy chọn các bài tập thể dục dành cho chân và thực hiện thường xuyên để giúp mạch máu lưu thông tốt cũng như tăng cường sức khỏe. Hãy chọn các môn nhẹ nhàng như: đi bộ, đạp xe, bơi lội,…
🏥 Cơ sở: Nguyễn Bồ (ngõ 215 Ngọc Hồi) – Tứ Hiệp – Thanh Trì – Hà Nội
🏥 Cơ sở: Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội
📞 Số máy tổng đài bệnh viện: 19008219
📞 Số máy công tác: (0246) 2885158
Website: https://benhviennoitiet.vn