Mở đầu buổi SHKH các bác sỹ đã được nghe bài báo cáo của TS.BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện trình bày về nội dung “Cập nhật điều trị insulin trong đái tháo đường typ 2”. Trong đó, TS Phan Hướng Dương đã đi sâu vào phân tích phác đồ điều trị ĐTĐ typ 2 mới nhất năm 2019 của ADA và ACCE.
Với việc tiếp cận điều trị lấy bệnh nhân làm trung tâm để ngăn ngừa biến chứng và tăng chất lượng cuộc sống thì cần phối hợp đồng thời 7 yếu tố quan trọng bao gồm: Đánh giá đặc điểm bệnh nhân; Đánh giá và đồng thuân trên kế hoạch điều trị; Theo dõi hỗ trợ; Cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng tới lựa chọn điều trị; Thực hiện kế hoạch điều trị; Chia sẻ quyền quyết định với bệnh nhân để xây dựng kế hoạch điều trị; Đồng thuận kế hoạch điều trị. Đặc biệt, Insulin nền vẫn là ưu tiêu lựa chọn khi bệnh nhân cần sử dụng insulin theo ADA và ACCE 2019. Đồng thời đưa ra việc kiểm soát đường huyết đói trước tiên để đạt mục tiêu HbA1c. Đường huyết sau ăn chỉ nên thực hiện khi đã đạt được mục tiêu đường huyết đói mà A1C vẫn còn mục tiêu.
Ngoài ra, trong bài báo cáo của mình, TS Phan Hướng Dương cũng nhấn mạnh việc nên lựa chọn insulin nền analog đã được chứng minh an toàn tim mạch cho nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao bệnh tim mạch và bệnh thận. Bên cạnh đó, cũng nên lựa chọn insulin nền analog và nền analog thế hệ mới để giảm thiểu biến chứng hạ đường huyết.
Ngay sau phần báo cáo của TS Phan Hướng Dương, các bác sỹ tiếp tục được lắng nghe phần trình bày của ThS Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh cùng chủ đề “Nguy cơ hạ đường huyết trong điều trị ĐTĐ typ 2 lợi thế của insulin nền thế hệ mới”.
Theo ThS Huyền, trong quá trình điều trị ĐTĐ, sự rối loạn chức năng tiến triển của tế bào ß cần thiết phải điều trị insulin. Đồng thời nhấn mạnh việc theo dõi HbA1C thường xuyên (mỗi ~3 tháng).
Cũng theo ThS Huyền thì hạ đường huyết làm gia tăng bệnh suất và tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, tình trạng hạ đường huyết là yếu tố hạn chế việc kiểm soát đường huyết trong giới hạn tốt. Đồng thời nhấn mạnh những bằng chứng cho thấy việc kiểm soát đường huyết tương đương và giảm nguy cơ hạ đường huyết về đêm với Gla-300 so với Gla-100 trên bệnh nhân ĐTĐ typ 2 bất kể chức năng thận.
Trong nghiên cứu RCT nhãn mở SENIOR, Gla-300 hiệu quả trên bệnh nhân lớn tuổi (≥65 tuổi), với nguy cơ hạ đường huyết có triệu chứng ghi nhận được thấp hơn so với Gla-100, đặc biệt là trên bệnh nhân ≥75 tuổi.
Sau khi các báo cáo viên trình bày xong chủ đề của mình đã có rất nhiều câu hỏi cũng như giải đáp được đưa ra thảo luận sôi nổi.