Biến chứng Tim mạch ở người bệnh Đái tháo đường

1104 10/04/2024, 14:54 (GMT+7)

Đái tháo đường là căn bệnh mạn tính liên quan đến hormon insulin sản xuất ở tuyến tụy. Nguyên nhân có thể do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc tế bào mất hay giảm khả năng sử dụng insulin có sẵn trong cơ thể.

Đái tháo đường có biểu hiện đặc trưng là lượng đường trong máu luôn cao. Hiện tượng này kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể. Hơn nữa diễn tiến thành nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở tim mạch.

Vì sao đái tháo đường gây biến chứng tim mạch?

Khi mắc bệnh đái tháo đường, người bệnh sẽ thường gặp những biến chứng cấp tính như tăng hay hạ đường huyết. Những biến chứng mạn tính này nguy hiểm trên nhiều cơ quan khác nhau như mắt, thận, thần kinh, tim mạch, não, các mạch máu ở chi.

Biến chứng trên hệ thống tim mạch (bệnh tim mạch xơ vữa) là biến chứng dễ gặp trên bệnh nhân đái tháo đường, vì chứng bệnh này khiến cho quá trình xơ vữa mạch máu xảy ra sớm hơn và tiến triển nặng hơn.

Bệnh tim mạch xơ vữa gây ra hậu quả nặng nề và là nguyên nhân gây tử vong chủ yếu cho người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, các biến chứng tim mạch đôi khi rất mơ hồ và không có biểu hiện rõ ràng. Chính vì vậy, biến chứng tim mạch ở người đái tháo đường được coi như một “sát thủ thầm lặng”.

Bệnh lý tim mạch thường gặp ở người bệnh đái tháo đường

Bệnh tim mạch xơ vữa là những bệnh lý xuất hiện trên nền xơ vữa các động mạch lớn và vừa. Bao gồm các bệnh như bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não và bệnh mạch máu chi dưới.

1. Bệnh mạch vành

Khi tình trạng xơ vữa xảy ra trên động mạch nuôi tim sẽ gặp các biến chứng như thiếu máu cục bộ cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim… Biểu hiện lâm sàng của các bệnh này trên bệnh nhân đái tháo đường thường không rõ ràng, bệnh nhân khó nhận biết. Chỉ khi đi khám kiểm tra mới có thể phát hiện ra.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân cũng có thể gặp phải các biểu hiện lâm sàng bằng cơn đau thắt ngực. Những cơn đau có cảm giác như bóp nghẹt tim, lan lên vai trái, xương hàm hoặc cánh tay trái…

2. Bệnh mạch máu não

Khi tình trạng xơ vữa xảy ra ở mạch máu não sẽ gây ra tai biến mạch máu não (hay đột quỵ) biểu hiện bằng nhồi máu não hoặc xuất huyết não… Biểu hiện lâm sàng bằng đột ngột bại hoặc liệt một nửa người, méo miệng, có thể kèm theo rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau.

Các biểu hiện lâm sàng cũng có thể thoáng qua rồi mất, sau đó có thể tái phát hoặc diễn biến nặng. Nó cũng có thể bị nặng ngay từ đầu để lại di chứng tàn phế hoặc có thể tử vong. Các biểu hiện sớm của bệnh lý mạch máu não có thể biểu hiện bằng các dấu hiệu như chóng mặt nhẹ, mất thăng bằng, rối loạn giấc ngủ, giảm sút trí nhớ.

3. Bệnh mạch máu chi dưới

Khi tình trạng xơ vữa xảy ra ở động mạch chi dưới, bệnh nhân sẽ thường gặp các trường hợp như là hẹp, tắc động mạch chi dưới,…Về mặt lâm sàng, người bệnh thường cảm thấy đau, mỏi chân hay chuột rút khi đi bộ.

Sau khi nghỉ ngơi, các dấu hiệu sẽ biến mất, bệnh nhân có thể tiếp tục đi được cho đến khi xuất hiện lại các triệu chứng đau.

Ngoài ra người bệnh còn gặp các dấu hiệu khác như chuột rút, loét hay hoại tử đầu chi, sờ mạch có thể thấy mạch mu chân mất hoặc yếu, mất mạch khoeo, huyết áp chi dưới thấp.

Các yếu tố khiến người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao gặp phải biến chứng tim mạch bao gồm:

  • Tăng huyết áp
  • Rối loạn lipid máu (lượng cholesterol trong máu cao)
  • Lười vận động, béo phì, đặc biệt là béo bụng
  • Hút thuốc lá và uống nhiều bia rượu
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch
  • Nam > 55 tuổi và nữ > 65 tuổi (đặc biệt là nữ sau thời kỳ mãn kinh tỉ lệ sẽ tăng cao)

Phòng ngừa biến chứng tim mạch ở bệnh nhân Đái tháo đường

Để phòng ngừa và kiểm soát các biến chứng tim mạch, người bệnh cần:

  • Kiểm soát chỉ số: Bạn cần thăm khám sức khỏe định kỳ, tuân thủ điều trị và theo đúng sự chỉ dẫn. Để có thể kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp, lipid máu.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, điều độ: giảm ăn muối, tinh bột, chất béo, đạm, tăng ăn rau xanh và các thực phẩm tươi sống,… Để giúp giảm cân, giảm vòng bụng. Không sử dụng rượu bia, hút thuốc hay các chất kích thích.
  •   Luyện tập thể dục hằng ngày: tăng cường vận động và điều độ tránh quá sức. Để giúp cải thiện hệ thống hô hấp và tim mạch.

Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường vô cùng nghiêm trọng và nguy hiểm. Vì vậy, bạn hãy phòng ngừa và kiểm soát định kỳ nhé!

Nguồn tham khảo:

  1. Benjamin M Leon and Thomas M Maddox. Diabetes and cardiovascular disease: Epidemiology, biological mechanisms, treatment recommendations and future research. World J Diabetes. 2015 Oct 10.
  2. American Diabetes Association. Standards of medical care in diabetes- 2015. Diabetes Care. 2015;38(suppl 1):S1-S93.

Nguồn: Ngày đầu tiên

🏥 Cơ sở: Nguyễn Bồ (ngõ 215 Ngọc Hồi) – Tứ Hiệp – Thanh Trì – Hà Nội

🏥 Cơ sở: Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội

📞 Số máy tổng đài bệnh viện: 19008219

📞 Số máy công tác: (0246) 2885158

Website: https://benhviennoitiet.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *