Quản lý và điều trị đái tháo đường thai kỳ

289 29/03/2024, 10:52 (GMT+7)
  1. Đái tháo đường thai kỳ: các nguy cơ và cơ chế bệnh sinh

Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là đái tháo đường được chẩn đoán lần đầu trong quý 2 hoặc 3 của thai kỳ nhưng không phải đái tháo đường typ 1 hoặc typ 2 từ trước.

  1. Các yếu tố nguy cơ

+ Nguy cơ cao: khi có bất kỳ yếu tố nào dưới đây

– Tiền sử gia đình có quan hệ bậc 1 với người đái tháo đường

– Tiền sử sinh con từ 4kg trở lên

– Tiền sử bị rối loạn đường huyết/đái tháo đường thai kỳ ở lần mang thai trước

– Glucose niệu trong khi mang thai

– Hội chứng buồng trứng đa nang

– Béo phì trước khi mang thai

      + Nguy cơ trung bình: khi không có bất kỳ yếu tố nào thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng không đáp ứng tất cả các yếu tố ở nhóm nguy cơ thấp

      + Nguy cơ thấp: khi đáp ứng tất cả các yếu tố sau

– Tuổi < 25

– Cân nặng bình thường trước khi mang thai

– Thuộc chủng tộc có tỉ lệ mắc đái tháo đường thấp

– Không có quan hệ bậc 1 với người đái tháo đường

– Không có tiền sử bất thường dung nạp glucose

– Không có tiền sử sản khoa xấu

  1. Cơ chế bệnh sinh

Cơ chế chính xác gây đái tháo đường thay kỳ vẫn chưa hoàn toàn rõ

Đặc điểm quan trọng nhất của đái tháo đường thai kỳ là kháng insulin, gây ra bởi tăng sản xuất một số hormon của mẹ và nhau thai. Tình trạng kháng insulin tăng lên trong quý thứ 2 và thứ 3 của thai kỳ và được cho là hiện tượng thích nghi để đảm bảo cung cấp đủ glucose cho bào thai.

Phụ nữ đái tháo đường thai kỳ có tình trạng suy giảm chức năng tiết insulin tương đối so với mức độ kháng insulin trong thai kỳ khi so sánh với người không mắc đái tháo đường thay kỳ. Khi bài tiết insulin, sự kết hợp cả hai yếu tố làm xuất hiện đái tháo đường thai kỳ.

Dòng glucose đi qua rau thai với một lượng lớn làm bào thai bị phơi nhiễm với mức glucose máu cao làm tăng nhu cầu insulin để chuyển hóa. Insulin trong máu bào thai tăng cao gây kích thích phát triển làm thai phát triển quá mức dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm và hạ đường huyết sau khi sinh.

  1. TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ

Những thai phụ có các yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường (ĐTĐ) như các yếu tố nguy cơ mắc ĐTĐ typ 2 cần được sàng lọc ĐTĐ ngay trong lần thăm khám thai đầu tiên (quý 1), áp dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ như ở người không mang thai. Nếu ĐTĐ được chẩn đoán theo tiêu chuẩn ở người không mang thai được coi là ĐTĐ tồn tại trước mang thai. Nếu không được chẩn đoán ĐTĐ tồn tại trước mang thai, thai phụ cần được sàng lọc vào tuần 24-28 của thai kỳ.

Vào tuần thai 24-28 tất cả mọi thai phụ không được chẩn đoán ĐTĐ trước đó đều được sàng lọc phát hiện ĐTĐ thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ được xác định khi:

Nghiệm pháp sàng lọc ĐTĐ thai kỳ bằng 75 gam glucose (tuần 24-28) có ít nhất 1 thời điểm đạt ngưỡng sau:

+ Glucose huyết tương lúc đói >= 5,1 và < 7,0 mmol/L

+ Glucose huyết tương sau uống 1 giờ: >= 10,0 mmol/L

+ Glucose huyết tương sau uống 2 giờ: >= 8,5 và < 11,1 mmol/L

III. ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Ở PHỤ NỮ MANG THAI

  1. Mục tiêu kiểm soát glucose (ADA 2017)
  • Đối với đái tháo đường thai kỳ:

+ Glucose máu mao mạch lúc đói của mẹ =< 5,3 mmol/L

+ Glucose máu mao mạch 1 giờ sau ăn =< 7,8 mmol/L

+ Glucose máu mao mạch 2 giờ sau ăn =< 6,7 mmol/L

  • Đối với người bệnh đái tháo đường mang thai

+ Glucose máu mao mạch lúc đói =< 5,3 mmol/L

+ Glucose máu mao mạch 1 giờ sau ăn =< 7,8 mmol/L

+ Glucose máu mao mạch 2 giờ sau ăn =< 6,7 mmol/L

+ HbA1C < 6 – 6,5% và không có hạ đường máu quá mức

  1. Điều trị bằng dinh dưỡng
  • Mục tiêu:

+ Đạt được mức glucose bình thường

+ Tránh tăng keton máu

+ Tăng cân hợp lý

+ Thai khỏe mạnh

            Điều trị dinh dưỡng cần cá thể hóa. Khuyến cáo gợi ý với phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có cân nặng lý tưởng cần 30 kcal/kg/ngày; phụ nữ quá cân cần 22-25 kcal/kg/ngày; phụ nữ béo phì giảm 30% nhu cầu năng lượng hoặc hạn chế ở mức < 22 kcal/kg/ngày; phụ nữ thiếu cân cần 40 kcal/kg/ngày. Lượng carbohydrat nên phân bổ thành nhiều bữa để tránh tăng glucose máu sau ăn, tỷ lệ carbohydrat chiếm khoảng 40% nguồn cung cấp năng lượng nhưng đảm bảo không làm tăng keton máu. Hạn chế các loại carbohydrat như bánh lỳ, cơm, khoai tây, trái cây ngọt, nước ép trái cây,.. có chỉ số đường cao. Sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường thấp. Protein chiếm khoảng 20% nguồn cung cấp năng lượng, lipid chiếm 40% nguồn cung cấp năng lượng, trong đó mỡ bão hòa chiếm dưới 7%. Cần cung cấp đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết cho bà mẹ. Theo dõi cân nặng bệnh nhân thường xuyên.

  1. Luyện tập

Nên khuyến cáo phụ nữ có thai luyện tập nếu không có chống chỉ định về sản khoa. Phụ nữ mang thai nên duy trì mức vận động cường độ nhẹ đến trung bình với khoảng thời gian 20 –  30 phút/lần, 3 lần/tuần.

  1. Điều trị bằng thuốc
  • Chỉ định sử dụng insulin:

+ Mức glucose thường xuyên cao hơn mục tiêu điều trị

+ Thai to

  • Loại insulin sử dụng và liều lượng insulin đúng theo chỉ định của bác sỹ.

Phụ nữ đái tháo đường thai kỳ có tình trạng suy giảm chức năng tiết insulin tương đối so với mức độ kháng insulin trong thai kỳ khi so sánh với người không mắc đái tháo đường thay kỳ. Khi bài tiết insulin, sự kết hợp cả hai yếu tố làm xuất hiện đái tháo đường thai kỳ.

Bệnh đái tháo đường thai kỳ nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe mẹ bầu và thai nhi.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương là cơ sở y tế chuyên khoa đầu ngành của cả nước về phát hiện, điều trị và chăm sóc người bệnh đái tháo đường và đái tháo đường thai kỳ. Tại đây, mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sỹ có trình độ chuyên môn giỏi trong suốt thai kỳ.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện, người bệnh vui lòng liên hệ qua tổng đài 1900 8219.

🏥 Cơ sở: Nguyễn Bồ (ngõ 215 Ngọc Hồi) – Tứ Hiệp – Thanh Trì – Hà Nội

🏥 Cơ sở: Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội

📞 Số máy tổng đài bệnh viện: 19008219

📞 Số máy công tác: (0246) 2885158

Website: https://benhviennoitiet.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *