Chương trình đào tạo y khoa liên tục trực tuyến 02 cơ sở với chủ đề: “quản lý toàn diện đái tháo đường type 2: đường huyết, nguy cơ tim mạch và cân nặng”

404 15/06/2023, 14:54 (GMT+7)
Ngày 14/06, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã phối hợp với nhà tài trợ Novo – Nordisk tổ chức chương trình đào tạo Y khoa liên tục (YKLT) với chủ đề “Quản lý toàn diện Đái tháo đường type 2: đường huyết, nguy cơ tim mạch và cân nặng” nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong việc quản lý và điều trị bệnh đái tháo đường, hạn chế các nguy cơ biến chứng.
 Tham dự và chủ trì buổi đào tạo có TS.BS. Phan Hoàng Hiệp – Giám đốc Bệnh viện; Các báo cáo viên TS.BS. Nguyễn Thu Hiền – Trưởng khoa Điều trị ban ngày; ThS.BS. Nguyễn Thị Lựu – Phó Trưởng khoa Thận – Tiết niệu Bệnh viện Nội Tiết Trung ương và ThS.BS. Phạm Thu Hà – Khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City cùng toàn thể các bác sỹ, dược sỹ, học viên của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, các bác sỹ khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An.
Ở phần báo cáo đầu tiên, TS.BS. Nguyễn Thu Hiền đã trình bày về “Kiểm soát đường huyết và cân nặng – cập nhật khuyến cáo ADA 2023”. Bài báo cáo đã nhấn mạnh: béo phì là một bệnh mãn tính và thường tiến triển với nhiều biến chứng về y tế, thể chất và tâm lý xã hội, trong đó làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2, các bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, việc quản lý béo phì có thể trì hoãn sự tiến triển từ tiền đái tháo đường sang đái tháo đường type 2.
 Tiếp theo phần trình bày của TS.BS. Nguyễn Thu Hiền, ThS.BS. Phạm Thu Hà đã mang tới bài báo cáo với chủ đề: “Vị trí nào cho GLP – 1 RA trong hành trình Tụy – Tim – Não” cùng 3 kết luận chính được nhấn mạnh trong bài báo cáo, gồm:
1. Đái tháo đường type 2 là một yếu nguy cơ của bệnh tim mạch xơ vữa. Vì vậy, điều quan trọng là nguy cơ tim mạch được xác định sớm và quản lý phù hợp bằng các biện pháp điều trị ĐTĐ type 2 đã được chứng minh có lợi ích cho tim mạch.
2. Dữ liệu từ CVOTs đã chỉ ra rằng GLP – 1RA làm giảm nguy cơ MACE, với việc giảm mạnh và có ý nghĩa lâm sàng về nguy cơ đột quỵ.
3. Các thuốc GLP – RA được khuyến cáo dùng như thuốc đầu tay để kiểm soát đường huyết ở người bệnh ĐTĐ type 2 có bệnh tim mạch hoặc nguy cơ tim mạch cao/ rất cao, đặc biệt là những bệnh nhân có nguy cơ cao/ đã từng đột quỵ.
Tiếp theo đó là phần báo cáo “Ca bệnh lâm sàng: quản lý đái tháo đường type 2 cho bệnh nhân đa yếu tố nguy cơ” của ThS.BS. Nguyễn Thị Lựu.
 Mặc dù thời lượng chương trình không dài nhưng nội dung các bài cáo cáo được đánh giá rất có chất lượng cũng như tính ứng dụng cao. Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra và đã được các báo cáo viên giải đáp cụ thể trong phần thảo luận. Thông qua đó sẽ giúp cho các y bác sỹ có được sự chủ động trong chẩn đoán và phối hợp điều trị bệnh cho bệnh nhân.

🏥 Cơ sở: Nguyễn Bồ (ngõ 215 Ngọc Hồi) – Tứ Hiệp – Thanh Trì – Hà Nội

🏥 Cơ sở: Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội

📞 Số máy tổng đài bệnh viện: 19008219

📞 Số máy công tác: (0246) 2885158

Website: https://benhviennoitiet.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *