Viêm tuyến giáp là biểu hiện viêm tại tuyến giáp mà trước đây là lành tính.
Phân loại viêm tuyến giáp gồm: viêm giáp cấp, bán cấp, viêm tuyến giáp Hashimoto, viêm tuyến giáp xơ hóa Riedel.
- Viêm tuyến giáp cấp (do vi trùng sinh mủ)
Nguyên nhân do vi trùng xâm nhập từ vùng lân cận: viêm hầu họng, nhiễm trùng vùng đầu cổ, qua đường máu. Ở Việt Nam: vi trùng xâm nhập trực tiếp qua vùng cổ (đắp thuốc). Một số trường hợp viêm nhiễm hiếm có thể đưa đến áp xe lạnh như: giang mai, lao, nấm. Viêm giáp do xạ sau khi điều trị I131 có thể đến vài tuần tuyến giáp sưng đau do phóng thích cac hormon vào máu.
Triệu chứng lâm sàng gồm:
- Sốt, lạnh run, đổ mồ hôi
- Triệu chứng nhiễm trùng
- Đau vùng tuyến giáp, khó nói, khó nuốt
- Tổ chức viêm tại nơi vi trùng xâm nhập, áp xe hóa một bên hoặc cả hai bên, có dấu phập phồng, da trên bướu phù nề, ấm, hạch bạch huyết vùng cổ sưng to.
- Viêm tuyến giáp bán cấp
Viêm tuyến giáp bán cấp còn được coi là viêm giáp do virus, thường xảy ra sau nhiễm virus vài tuần lễ. Tổn thương tuyến giáp cũng giống tổn thương viêm gan do virus.
Triệu chứng lâm sàng: thường gặp 40 – 50 tuổi, nữ; xuất hiện h/c cúm, mệt đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau họng
- Đau vùng cổ: xuất hiện từ từ hoặc đột ngột, đau tăng khi nuốt. Tuyến giáp sưng to gấp 2-3 lần bình thường. Đau một bên hoặc hai bên lan lên tai, đau khắp cổ, hàm hoặc vùng thái dương.
Không co triệu chứng đau vùng cổ cũng không loại trừ chẩn đoán viêm tuyến giáp bán cấp.
- Bướu cổ: Bướu chắc cứng, to đều cả hai thùy, có thể to không đều, đau khi thăm khám
- Dầu hiệu nhiễm độc giáp: nhịp nhanh, run tay, vã mồ hôi. Các dấu hiệu cường giáp khác có thể gặp: sút cân, mệt,… Giai đoạn nhiễm độc giáp có thể kéo dài từ một đến hai tháng. Hết giai đoạn nhiễm độc giáp là giai đoạn bình giáp, 1/3 đến 2/3 sẽ là giai đoạn suy giáp thoáng qua.
Triệu chứng chung: mệt, sút cân, đau mỏi cơ, sốt nhẹ 37,5 - 38⁰C
- Viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto
Còn có tên là viêm giáp tự miễn, viêm giáp lympho bào mạn tính, bướu giáp dạng lympho.
Là bệnh tự miễn dịch, có thể suy giáp. Có sự hiện diện của các kháng thể TPO và thyroglobulin xuất hiện trong máu.
Thường gặp ở nữ có tiền sử gia đình có bướu cổ, suy giáp, bệnh Basedow, Hashimoto, suy tuyến thượng thận mạn nguyên phát, ĐTĐ typ 1, viêm khớp dạng thấp, viêm vòi trứng tự miễn, bệnh tự miễn khác.
Triệu chứng lâm sàng:
- Thường xảy ra ở phụ nữ 95% trường hợp, tuổi 30 – 50.
- Bướu giáp có thể được phát hiện tình cờ: to đều, cứng chắc, gồ ghề, kích thước không đều, không đau, di động khi nuốt, có thể có hạch ngoại vi nhưng ít gặp.
- Bướu lớn có thể có dấu hiệu chèn ép làm khàn tiếng.
- Hiếm gặp: bướu đa nhân hoặc to một thùy đơn độc
- 5% có biểu hiện mắt giống Basedow
- 20% bệnh nhân đến khám có các triệu chứng suy giáp
- Có thể gặp triệu chứng cường giáp thoáng qua.
- Viêm tuyến giáp mạn tính xơ hóa Riedel
Được mô tả năm 1896, bệnh hiếm gặp. Không có biểu hiện viêm, cũng không có biểu hiện tự miễn, có sự xâm nhập xơ toàn bộ tuyến giáp.
Triệu chứng lâm sàng:
- Thường gặp ở nữ (nữ/nam = 3/1), 30 – 60 tuổi.
- Tuyến giáp cứng do sự xâm lấn xơ
- Xơ có thể xâm lấn vào phía trước cổ và cơ quan lân cận vận động cổ khó, hoặc xuất hiện các dấu hiệu chèn ép, khó thở, khó nuốt.
- Có thể kết hợp hội chứng xơ hóa cơ quan khác: sau phúc mạc, trung thất, sau nhãn cầu.
- Viêm tuyến giáp không đau
Không rõ nguyên nhân. Thường do virus và giống dạng viêm tuyến giáp bán cấp De Quervain không có triệu chứng, hoặc viêm giáp Hasimoto.
Triệu chứng lâm sàng:
- Thường gặp nữ sau đẻ (5 -7%)
- Bướu giáp: chắc, không đau
- Dấu hiệu nhiễm độc giáp thường gặp nhưng thay đổi và thoáng qua. Giai đoạn nhiễm độc giáp có khi kéo dài tới 3 tháng và thường ở mức độ trung bình.
- Không bị lồi mắt.
Nguồn: Tài liệu đào tạo điều dưỡng “Chăm sóc, theo dõi bệnh nhân bệnh tuyến giáp” – Bệnh viện Nội tiết Trung ương