- Bệnh phụ khoa là gì?
Bệnh phụ khoa là tất cả các bệnh lý thuộc cơ quan sinh dục của người phụ nữ như:
- Âm hộ bao gồm môi lớn, môi bé, vùng tiền đình… là những phần có thể quan sát bên ngoài
- Âm đạo, cổ tử cung, tử cung, vòi trứng, buồng trứng, hệ thống dây chằng... có thể quan sát và cảm nhận được qua việc thăm khám bằng mỏ vịt, bằng tay và siêu âm
Bệnh phụ khoa có thể gặp ở mọi độ tuổi, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của phụ nữ. Đặc biệt đối với sức khỏe sinh sản với các biểu hiện như: viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung và ung thư buồng trứng…
- Bệnh phụ khoa hay gặp theo độ tuổi
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bệnh phụ khoa thường mắc là bệnh viêm âm đạo do nhiễm trùng:
- Viêm âm đạo do vi khuẩn
- Viêm âm đạo Candida
- Viêm âm đạo trichomonal, lây truyền qua đường tình dục
- Phụ nữ ở dộ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh việc suy giảm nội tiết tố nữ có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý sau đây:
- Viêm sinh dục: Viêm đường tiết niệu tái phát nhiều lần.
- Sa sinh dục, sa bàng quang, trực tràng ở các mức độ khác nhau. Chị em có thể thấy tức nặng vùng âm hộ hoặc sờ thấy khối sa ra ngoài âm hộ.
- Khối u: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung. Các dấu hiệu thường là rối loạn kinh nguyệt, ra dịch nhầy, khó chịu một bên hố chậu, đau bụng.
- U xơ, u nang vú: Thấy đau nhói, sờ thấy nhân ở vú.
- Tổn thương ác tính: ung thư cổ tử cung, niêm mạc tử cung, buồng trứng, ung thư vú ...
- Bệnh nội tiết và phụ khoa
- Những bệnh lý Nội tiết gây giảm estrogen là nguyên nhân khiến thành âm đạo mỏng đi, tăng khả năng bị nhiễm trùng và viêm. Giảm estrogen dẫn đến viêm âm đạo (đặc biệt là thể teo).
- Thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh có thể dẫn đến độ pH âm đạo kiềm hơn, có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây bệnh âm đạo.
- Bệnh nhân Đái tháo đường là những người có các yếu tố nguy cơ cao mắc các nhiễm trùng âm đạo do vi khuẩn, viêm âm đạo do nấm.
- Những bệnh nhân vệ sinh kém có thể dẫn đến viêm âm hộ kinh niên do kích ứng hóa học từ nước tiểu hoặc phân hoặc do nhiễm trùng không đặc hiệu.
- Khám phụ khoa khi nào
-Trước khi kết hôn: Giúp loại trừ các bệnh viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục hay các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến sinh sản cũng như cuộc sống vợ chồng.
- Khi có ý định mang thai hoặc đang mang thai: nhằm giúp phát hiện điều trị kịp thời các vấn đề từ bộ phận sinh dục người mẹ để tránh lây nhiễm cho thai nhi, đảm bảo sức khỏe thai kỳ cho cả mẹ và bé.
- Người mắc các bệnh lý mạn tính toàn thân, giảm sức đề kháng như: Đái tháo đường, suy giáp, suy thượng thận...nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng hay cơ địa sinh u.
- Có dấu hiệu bất thường: Viêm nhiễm âm đạo, Rối loạn kinh nguyệt (kinh không đều, rong kinh, thưa kinh, vô kinh ...); Nhiều khí hư (dịch tiết âm đạo nhiều và hôi, có màu khác thường ) Đi tiểu nhiều lần, tiểu máu , tiểu buốt; Ngứa rát vùng kín vùng kín nổi mụn; Sưng âm đạo vùng kín; Đau ở vùng chậu và vùng kín khi quan hệ tình dục….
- Ngoài ra nên kiểm tra khám phụ khoa định kỳ 3-6 tháng để sàng lọc các bệnh lý tiểm ẩn.
- Quy trình khám sản phụ khoa sẽ gồm 4 bước sau đây:
Bước 1: Hỏi tiền sử bệnh: là một trong những bước quan trọng trước khi thăm khám phụ khoa. Theo đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ trực tiếp trao đổi về chu kỳ kinh nguyệt, tiền sử khám và hỗ trợ điều trị bệnh phụ khoa, …
Bước 2: Khám lâm sàng: Bước này bác sĩ sẽ thăm khám bằng cách quan sát bằng mắt thường kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài. Sử dụng dụng cụ mỏ vịt (một loại dụng cụ chuyên dụng để khám phụ khoa) để dễ dàng quan sát, kiểm tra âm đạo cùng CTC của chị em. Khám bằng mỏ vịt không gây đau nên chị em không cần quá lo lắng.
Bước 3: Xét nghiệm cận lâm sàng: Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết như: Xét nghiệm máu, nước tiểu, dịch âm đạo (nấm, vi khuẩn, trùng roi, chlamylia, lậu cầu...) soi cổ tử cung, tế bào học CTC (sàng lọc ung thư sớm cổ tử cung), siêu âm tử cung –buồng trứng bằng đầu dò âm đạo.
Bước 4: Kết luận, chẩn đoán: Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ trực tiếp giải thích tư vấn tình trạng sức khỏe và liệu pháp điều trị cho người bệnh.
- Một số lưu ý khi đi khám:
- Không nên khám phụ khoa vào những ngày “đèn đỏ”. Khuyến nghị chị em nên đi thăm khám phụ khoa sau khi sạch kinh 2 – 3 ngày để có thể đánh giá tốt nhất tình trạng cơ quan sinh sản (trừ ra máu bất thường, rong kinh, rong huyết ...)
- Nên kiêng quan hệ tình dục ít nhất 2 ngày trước khi đi thăm khám. Sự xuất hiện của tinh trùng lẫn trong dịch tiết âm đạo hoặc các tế bào cổ tử cung có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm và chẩn đoán.
-Trước khi đi khám phụ khoa nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng nước sạch, tuyệt đối không sử dụng các dung dịch vệ sinh, xà phòng sát khuẩn hay đặt bất cứ loại thuốc nào vào trong âm đạo trong 24 giờ trước khi đi khám. Trường hợp, xuất hiện những nốt mụn hoặc ngứa tại vùng kín bạn không được bôi thuốc giảm ngứa vì có thể ảnh hưởng đến kết quả thăm khám.
- Nên theo dõi các chu kỳ kinh gần đây, các tiền sử bệnh lý, ghi lại những câu hỏi bạn cần bác sĩ tư vấn liên quan đến sức khỏe sinh sản bạn gặp phải. Việc làm này sẽ giúp bạn thăm khám phụ khoa nhanh chóng, hiệu quả tiết kiệm rất nhiều thời gian.
- Khám phụ khoa này là bước kiểm tra sức khỏe bình thường, chuẩn bị tâm lý thoải mái để bác sĩ có thể giúp bạn có kết quả chính xác và an toàn. Chị em nên mặc trang phục rộng rãi, thoải mái và tốt nhất là nên mặc váy để thuận tiện cho việc thăm khám của bác sĩ.