Người mới bắt đầu luyện tập cần xác định loại hình tập luyện, cường độ, tần suất, thời gian phù hợp với đặc điểm cá nhân, tình trạng sức khỏe.
Kiểm tra nồng độ đường máu trước khi tập, nếu đường máu >250mg/dl (>14mmol/L) và xét nghiệm có ceton trong nước tiểu thì nên điều trị hết ceton niệu mới tập. Khi đường máu quá cao (>300mg/dl) hoặc quá thấp (<70mg/dl), đặc biệt ĐTĐ type I thì mặc dù không có ceton niệu cũng không nên tập.
Đo nồng độ đường máu sau tập thường xuyên để đánh giá ảnh hưởng của tập luyện, xác định loại hình bài tập, cường độ, thời gian, tần suất vận động thích hợp nhất. Ngừng tập và khám ngay nếu phát hiện những bất thường của cơ thể trong quá trình luyện tập. Định kỳ kiểm tra tổng thể phát hiện sớm những ảnh hưởng bất lợi để điều chỉnh kịp thời.
Chuẩn bị sẵn một số thức ăn có đường để bổ sung kịp thời khi có các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, run tay chân… do hạ đường huyết trong khi tập, nhất là ở những người đang dùng thuốc hạ đường huyết và insulin. Tránh tập quá gần (<2h) hoặc quá xa (>4h) sau khi ăn.
Nên tập theo nhóm để được hỗ trợ kịp thời khi có các nguy cơ hạ đường máu hay biến chứng tim mạch (đau thắt ngực), đặc biệt ở những người có tiền sử bệnh lý hoặc đã có biến chứng tim mạch. Thận trọng với những môn thể thao dã ngoại đòi hỏi gắng sức nhiều, khó xử lý kịp thời khi có bất thường như leo núi, xe đạp đường dài…
Trang phục, giày tập phải phù hợp, nhất là đối với những người có biến chứng thần kinh ngoại biên gây giảm hoặc mất cảm giác ở chân.
Nguồn: SKĐS
Thứ ba, 02 Tháng 8 2022 00:00
NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TẬP LUYỆN THẾ NÀO CHO AN TOÀN?
Viết bởi Super User
Đăng tại
Kiến thức y khoa